Tin tức & Sự kiện

Hành trình của một doanh nhân

Thợ Mộc Mơ Thành Ông Chủ

Anh sinh ra trong một gia đình nghèo, đông con và lớn lên trong những ngày đất nước vừa giải phóng. Tuổi thơ của anh không được vui chơi cùng chúng bạn bởi mới 13 tuổi anh đã phải rời Phan Thiết quê hương anh để vào Sài Gòn kiếm sống, từ sáng sớm đến khi thành phố lên đèn bằng các nghề…
Nhớ lại những ngày tháng nhọc nhằn ấy, anh kể: Đầu tiên, là anh làm thử việc trong cửa hàng đồ gỗ trên đường Hùng Vương với những công việc như: bào, cưa, đục hay đánh vẹc ny bàn ghế theo sự chỉ dẫn của mấy anh thợ cả. Rồi thời gian cứ lặng lẽ trôi đi và anh đã thành người thợ chính. Khi ấy việc kiếm sống đã ổn định nhưng trong lòng anh luôn mong muốn có một ngày mình được học lên và phải làm một điều gì đó nhưng chưa biết bày tỏ cùng ai? Và cho đến một hôm, có người khách đi xe hơi, xách cặp, thắt cà vạt chỉnh tề đến đặt hàng. Nhìn dáng vẻ bề ngoài của người khách đã khiến anh ngưỡng mộ và hình ảnh đó như là một tấm gương để anh phấn đấu. Và thế là anh đã không bằng lòng với số phận người thợ và anh bắt đầu nung nấu ý nghĩ: muốn trở thành ông chủ thì chỉ có một con đường là phải biết kinh doanh và thế là bước đầu lập nghiệp cũng từ đây.
Vào những năm 80 của thế kỷ trước, sản phẩm nước giải khát trên thị trừơng Việt Nam còn đơn điệu và khi đó đường nội địa bị đường ngoại lấn át; giá mía bị rớt, cây mía thay vì được đưa vào nhà máy đường thì lại được người dân cho vào xe nước mía để ép ra thành nước giải khát bổ dưỡng rẻ và thế là cơ hội đã đến với anh. Xe nước mía sẽ là mặt hàng mà anh nhắm đến. Vốn đã có nghề mộc từ mấy năm nên anh rủ thêm mấy anh em hùn vốn mua vật liệu đóng xe nước mía và cơ sở của ông chủ nhỏ đã ra đời. Xe nước mía được tiêu thụ nhanh trên khắp thị trường thành phố và các tỉnh phía Nam. Sau một thời gian, anh nhận thấy đóng xe nước mía có lời nhưng anh muốn có lời nhiều hơn. Nắm bắt thông tin và tìm hiểu thị trường thì thấy ở thời điểm đó: nguyên liệu sắt thép khan hiếm và giá lại cao. Do dò hỏi thì anh biết có nhiều xe nước mía được đóng từ trước ngày giải phóng, nay tuy không được dùng nhưng nhiều người vẫn cất giữ nên anh đã ngược xuôi hết các tỉnh miền Đông, miền Tây tìm mua xe phế liệu đem về tái chế. Gọi là tái chế nhưng thực ra chỉ lấy bộ ép và dàn nhíp để ráp vào xe mới. Việc tận dụng này đã mang lại cho anh những khoản thu không nhỏ và cứ thế cho đến khi thị trường về xe nước mía đã bão hòa thì lúc này anh đã có một số vốn kha khá và lại lần lượt trải qua các nghề làm cửa sắt, sản xuất nước đá …

Quyết Định Nhạy Bén Trong Kinh Doanh

Những năm cuối thập niên 80, Nhà máy Thủy điện Trị An đưa nguồn điện về các thành phố phía nam. Đồng thời có chủ trương mở cửa, Nhà nước khuyến khích kinh doanh sản xuất nên anh tiên đoán lượng điện tiêu thụ cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt đều sẽ tăng rất nhanh, đồng thời anh cũng nhận thấy điện từ nguồn muốn đến người tiêu thụ phải có đường dây tải và do đó nhu cầu sử dụng dây điện gia dụng và công nghiệp đều phải tăng cao. Sau khi đắn đo cân nhắc, anh và gia đình quyết định thành lập Cơ sở sản xuất Dây và Cáp điện Tấn Thịnh vào năm 1989 tại đường Phùng Hưng – Quận 5 – TPHCM. Thời gian đầu cơ sở chỉ sản xuất khoảng 300 tấn/năm và phương tiện hoàn toàn thủ công. Khoảng 5 năm sau khi thị trường đã chấp nhận sản phẩm của Cơ sở Thịnh Phát, anh tiếp tục mở rộng cơ sở mới và đến năm 1998, chính thức thành lập Công ty TNHH Sản xuất & Thương mại Thịnh Phát. Ngoài các sản phẩm chủ lực là dây và cáp điện, công ty còn sản xuất thêm mặt hàng mới là tấm nhựa ốp trần với giá thành hạ và chất lượng cao nên đã góp phần cùng những doanh nghiệp khác đẩy lùi sản phẩm ngọai nhập để giành lại thị phần…

Đồng Hành Với Dây “Treo Cổ”

Tưởng cứ thế và còn tốt hơn nhưng trong kinh doanh không ai có thể nói trước được điều gì, còn với anh sự cố mà anh gặp phải trên đất bạn xa xôi mà anh lại là “nạn nhân” trực tiếp và lần ấy anh gần như trắng tay bởi năm đó anh dồn hết vốn liếng để mua một số lượng lớn dây đồng nhằm chuẩn bị tham gia đấu thầu cung cấp dây điện cho Công ty Điện lực II và Điện lực thành phố thì một chi nhánh của Tập đoàn Sumitomo Nhật Bản bị phá sản nên họ đã ào ạt tung ra sản phẩm dây đồng với giá chỉ bằng 50% giá anh mua vào. Lần đầu tiên kinh doanh gặp sự cố và cũng là lần đầu tiên anh phải đối mặt với sự khắc nghiệt của thị trường, anh như người mất phương hướng. Trước mắt anh, hai từ phá sản đã hiện lên rõ rệt. Giữa lúc đang chơi vơi… thì có một người bạn từ Singapore qua thăm, anh ấy khuyên: “Cuộc đời con người có lúc lên lúc xuống, trong kinh doanh không có thất bại thì không có thành công, muốn làm ăn lớn phải có nghị lực và sự tỉnh táo…. Rồi người bạn ấy khẳng định là anh sẽ thành công”. Và thế là anh đã bình tâm và gượng dậy được. Cũng sau lần thất bại ấy, anh đã rút ra một bài học kinh nghiệm và luôn tự nhắc mình phải luôn cẩn trọng, có chiến lược kinh doanh dài hạn và phải luôn trang bị cho mình một kiến thức đầy đủ và một tinh thần thép, biết lắng nghe và biết học hỏi. Bởi làm nghề này nhiều người đã ví như mình đang đồng hành với dây “treo cổ” vì thế sản phẩm của công ty anh phải tuyệt đối đảm bảo chất lượng cao vì nếu sản phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ xảy ra chập, cháy…. Điều đó không chỉ nguy hại đến lợi ích chung, đến danh dự công ty mà còn cả tính mạng tài sản của mình và cái sợi dây “treo cổ” ấy luôn nhắc nhở anh thực hiện khẩu hiệu: “Chất lượng trong sản phẩm – Uy tín trong kinh doanh – Từng bước nâng cao và củng cố thương hiệu”. Như để xác nhận điều này năm 2001 công ty được cấp chứng chỉ ISO – 9002 và sản phẩm của công ty được người tiêu dùng bình chọn là sản phẩm đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao. Công ty đoạt giải thưởng Sao Vàng Đất Việt, giải thưởng Doanh nghiệp Trẻ xuất sắc, bằng khen của Bộ Công nghiệp, bằng khen của Tổng Công ty Điện lực Việt Nam. Và đồng thời công ty là một trong 5 đơn vị chủ lực sản xuất dây và cáp điện ở Việt Nam. Hiện công ty đang phát triển 2 khu nhà xưởng liên hoàn rộng hàng ngàn mét vuông với trang thiết bị hiện đại, đã tạo công ăn việc làm cho gần 300 công nhân có thu nhập bình quân 3,3 triệu đồng/người/tháng . Doanh thu trung bình đạt 350 tỷ đồng / năm. Mức tăng trưởng năm sau luôn cao hơn năm trước. Sản phẩm của công ty không chỉ cung cấp cho các công trình quốc gia như đường dây điện 500kV Nhà Bè – Ô Mon, Pleiku – Đà Nẵng,… đường dây 200kV Uông Bí – Tràng Bạch, 110kV Bảo Lộc – Di Linh…. Ngoài ra, công ty còn xuất khẩu dây và cáp điện sang thị trường Campuchia, Lào, Myanma, Singapore, Malaysia…, trong đó chỉ tính riêng thị trường Campuchia, doanh thu của công ty đạt trên 6 tỷ VND.
Chưa thỏa mãn với những gì đạt được, vào đầu năm 2005, công ty đa dạng hóa đầu tư: khởi công xây dựng Cụm Công nghiệp Thịnh Phát tọa lạc ở huyện Bến Lức (Long An) với qui mô dự án 74,2ha. Tổng số vốn lên đến 132 tỷ đồng. Để có được những thành quả trên, Giám đốc trẻ Võ Tấn Thịnh luôn chú trọng đến việc đào tạo đội ngũ cán bộ và công nhân lành nghề vì ở Việt Nam hiện nay chưa có trường đào tạo ngành sản xuất dây và cáp điện nên số cán bộ kỹ thuật trong lĩnh vực này rất ít. Do vậy anh đã phải mời chuyên gia nước ngoài đến giảng dạy. Nhân viên học một thì anh phải học mười vì anh nghĩ có như vậy mới điều hành tốt được công việc. Ngoài ra, anh rất biết dùng người và thu phục nhân tài với quan điểm của anh là làm lãnh đạo là để người ta nể phục chứ không phải sợ và anh đã mạnh dạn phân quyền, khuyến khích sáng tạo, thưởng phạt nghiêm minh. Anh luôn hết lòng chăm lo đến đời sống của cán bộ công nhân viên. Vì vậy mà họ đã hết lòng với anh, họ coi công ty như ngôi nhà thứ 2 của mình. Giới kinh doanh đánh giá về anh rất cao, còn anh thì khiêm tốn: “bất cứ nghề nào muốn thành công cũng phải đặt chữ Tâm và chữ Tín lên hàng đầu, chữ Tâm trong nghề nghiệp và nhân sự…, chữ Tín trong anh em và bạn hàng” Có lẽ vì anh có tấm lòng như vậy nên bên cạnh anh luôn có những chiến hữu sẵn sàng sát cánh, đội ngũ nhân viên đắc lực luôn hỗ trợ và gắn bó cùng anh để đưa Công ty Thịnh Phát ngày càng phát triển.
Ngoài việc kinh doanh, với quan điểm của anh là chia sẻ thành quả lao động cho công việc từ thiện, đã nhiều năm liền công ty tổ chức nhiều chương trình như xây nhà tình thương, nhà tình nghĩa, ủng hộ đồng bào lũ lụt, xây dựng đường sá… bằng chính lợi nhuận của công ty cùng số tiền đóng góp của cán bộ công nhân viên. Đặc biệt trong 2 năm trở lại đây, công ty đã phối hợp với Hội Chữ thập Đỏ để hiến máu nhân đạo. Bằng tình cảm từ tấm lòng nhân ái, vợ chồng giám đốc Võ Tấn Thịnh đều đặn hàng tuần đến những trại trẻ mồ côi để phát quà cho các em mồ côi, khuyết tật thiếu may mắn. Việc làm và nghĩa cử của anh chị thật đáng quý vì theo anh: làm từ thiện như một lẽ sống, một trách nhiệm của mỗi doanh nhân Việt Nam.

Thay cho lời Kết

Doanh nhân trẻ Võ Tấn Thịnh đang ở cái tuổi 44 đầy nhiệt huyết và sung sức nhất của một nhà kinh doanh. Tôi tin rằng với lòng quyết tâm và sự nhanh nhạy, năng động, dám nghĩ dám làm, dám đầu tư thì anh sẽ còn tiến xa hơn nữa để khẳng định vị trí của Công ty Thịnh Phát với tất cả những thách thức và cơ hội đang đặt ra phía trước và anh sẽ phải chèo lái công ty đến bến bờ của sự thành công, xứng đáng với sự đánh giá của bạn bè về anh vừa “Thịnh” vừa “Phát” và chúc Công ty Thịnh Phát sẽ phát triển mãi mãi gắn liền với sự nghiệp của anh.

Phương Anh – Doanh nhân Việt Nam xưa & nay