Tin tức & Sự kiện

Chuyện về một Doanh nhân trẻ

Với đường lối đổi mới, khuyến khích sự phát triển của mọi thành phần kinh tế, ở Thành phố Hồ Chí Minh đã xuất hiện nhiều doanh nhân trẻ tuổi, năng động và tài năng, Giám đốc Công ty Thịnh Phát là một người như thế. Với sự nỗ lực không mệt mỏi, niềm đam mê sáng tạo và phong cách quản lý, điều hành hiệu quả, anh Võ Tấn Thịnh đã đưa “Thịnh Phát” – một doanh nghiệp tư nhân trở thành một trong 5 đơn vị cung cấp dây cáp điện chủ lực của Việt Nam với doanh số hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.
Sinh ra trong một gia đình lao động nghèo, từ năm 13 tuổi, Võ Tấn Thịnh đã phải kiếm sống bằng đủ các nghề: thợ đóng thùng nước mía, thu mua sắt phế liệu, làm cửa sắt … Khi đất nước bắt đầu bước vào thời kỳ đổi mới, nhu cầu sử dụng điện phục vụ sản xuất, kinh doanh, cũng như trong đời sống, sinh hoạt của người dân thành thị và nông thôn ngày càng tăng, nắm bắt được điều đó, mới ở độ tuổi ngoài 20, anh Thịnh đã nhận thấy dây cáp điện là mặt hàng có nhiều tiềm năng. Năm 1987 anh đã thuyết phục gia đình và huy động vốn của bạn bè, người thân mở cơ sở sản xuất dây và cáp điện mang tên “Thịnh Phát”. Khi mới đi vào hoạt động, tổng số vốn liếng chỉ khoảng hơn 20 cây vàng, lao động khoảng vài chục người, chủ yếu là người trong gia đình, bạn bè thân thiết. Với vài loại sản phẩm có chất lượng không cao, khách hàng chủ yếu là các hộ gia đình nông thôn TPHCM và một số tỉnh lân cận. Song, vào thời điểm đó, do dây, cáp điện còn hiếm nên hàng của “Thịnh Phát” được tiêu thụ khá mạnh. Vài năm sau anh Thịnh đã tích luỹ được một số vốn đáng kể và quan trọng hơn là những kinh nghiệm trong việc sản xuất và kinh doanh mặt hàng này. Trước nhu cầu về các loại dây, cáp điện có chất lượng cao phục vụ cho lưới điện quốc gia và các công trình công nghiệp ngày càng tăng, giữa năm 1998, anh Thịnh đã quyết định phát triển cơ sở sản xuất của mình lên thành Công ty TNHH sản xuất – thương mại Thịnh Phát để có thể đáp ứng được những yêu cầu mới của thị trường.

Ông Võ Tấn Thịnh – TGĐ công ty CP cáp điện Thịnh Phát

Lúc công ty ra đời, trên cả nước đã có hàng trăm cơ sở sản xuất dây và cáp điện, trong đó có cả những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được trang bị rất hiện đại, thêm vào đó là hàng nhập ngoại tràn lan trên thị trường. Thực tế đó đòi hỏi giám đốc Võ Tấn Thịnh phải vững tay chèo chống để doanh nghiệp có thể tồn tại và phát triển. Ngay từ đầu, anh đã đề ra phương châm “4Đ” cho doanh nghiệp mình. Đó là: Đạt chất lượng – Đủ số lượng – Đúng thời hạn – Đáp ứng đúng nhu cầu. Bằng nguồn vốn tự có và vốn vay, công ty đã đầu tư một dây chuyền công nghệ khép kín với nhiều máy móc, thiết bị hiện đại như máy kéo đồng của Đài Loan; máy tráng thiếc, máy xoắn liên hoàn 61 sợi của Nhật Bản; máy đan được sản xuất tại Mỹ; máy bọc có xuất xứ từ Italia, máy kéo dây của Đức… Năm 2004 vừa qua là một mốc thời gian đáng nhớ của “Thịnh Phát” với tổng giá trị đầu tư khoảng 8 triệu USD, nhờ đó, công ty đã sản xuất thành công và đưa ra thị trường sản phẩm cáp mạng thông tin, cáp đồng trục, dây đồng tráng thiếc và các loại cáp ngầm đạt tiêu chuẩn quốc tế. Công ty đã hình thành một mô hình quản lý chất lượng sản phẩm hoàn thiện từ khâu nguyên liệu đầu vào đến khâu ra thành phẩm cuối cùng. Doanh nghiệp còn đang triển khai xây dựng và đăng ký chứng nhận phòng thí nghiệm theo tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 17025 nhằm nâng cao uy tín, tạo sự phát triển bền vững cho công ty. Để có thể đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao của khách hàng, bên cạnh việc đầu tư xây dựng một cơ sở vật chất khang trang, hiện đại không thể không thể thiếu một đội ngũ CBCNV có trình độ chuyên môn, tay nghề cao. Từ trước đến nay ở Việt Nam chưa từng có cơ sở nào đào tạo nguồn nhân lực cho ngành sản xuất dây cáp điện, ngoài một số cán bộ ở công ty Cadivi trước đây được đào tạo ở Liên Xô. Do đó, có thể nói, đây là một trong những khó khăn mà anh Võ Tấn Thịnh và công ty “Thịnh Phát” đã và đang phải đối mặt. Để giải quyết vấn đề này, “Thịnh Phát” vừa tuyển dụng, vừa tổ chức huấn luyện, đào tạo tại chỗ, vừa cử cán bộ đi tập huấn tại các nước cung cấp thiết bị; đồng thời, định kỳ mời các chuyên gia nước ngoài đến bồi dưỡng, phổ biến các kỹ thuật, công nghệ mới hay cử CBCNV tham gia các chương trình giới thiệu, hội thảo chuyên ngành. Chính vì vậy, từ chỗ chỉ có 45 lao động khi mới thành lập, đến nay, công ty đã có 175 CBCNV, trong đó 47% có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên, có khả năng thao tác thuần thục với năng suất và chất lượng cao trên các dây chuyền sản xuất hiện đại. Đối với một trung tâm kinh tế năng động vào bậc nhất của cả nước với hàng

Theo Bộ Lao Động và Thương Binh Xã Hội