Cáp điện nội và nguy cơ từ tự do thương mại
Với thuế suất mới chỉ còn 0%, các doanh nghiệp ngoại sẽ có thể tiến vào thị trường dây và cáp điện dành cho hạ tầng nhanh chóng thông qua nhập khẩu.
Trên 80% thị trường dây và cáp điện hiện thuộc về các doanh nghiệp Việt Nam. Có thể kể đến những cái tên nổi bật Cadivi (.CAV) hay Thịnh Phát. Năm 2014, doanh thu của Thịnh Phát là hơn 3.600 tỉ đồng. Tuy vậy, thế trận sẽ thay đổi khi các hiệp định tự do thương mại được ký kết.
Đón đầu tự do hóa thương mại luôn là sở trường của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã được ký kết và có hiệu lực vào năm 2016, cam kết cắt bỏ hoàn toàn các dòng thuế thuộc nhóm hàng dây và cáp điện. Ngay lập tức, một số doanh nghiệp FDI trong ngành đẩy mạnh xây dựng và quảng bá thương hiệu tại thị trường Việt Nam. Ðiển hình như LS hay Taya Việt Nam.
Từ trước đến nay, doanh nghiệp FDI trong ngành dây và cáp điện tại Việt Nam chỉ tập trung sản xuất nhóm sản phẩm dành cho công nghiệp, nhằm cung cấp cho các công ty liên kết của họ ở nước ngoài. Vì thế, khối FDI cũng chiếm phần lớn trong kim ngạch xuất khẩu của ngành, ở mức 97% trong năm 2014. Nhưng với lợi thế mới nhờ thuế suất chỉ còn 0%, các doanh nghiệp ngoại sẽ có thể tiến vào thị trường dây và cáp điện dành cho hạ tầng nhanh chóng thông qua nhập khẩu. Mà đây lại vốn là thế mạnh duy nhất của doanh nghiệp Việt Nam.
Thị trường xuất khẩu dây và cáp điện trong năm 2014
Thực tế, thị trường dây và cáp điện còn khả năng tăng trưởng cao, do Việt Nam vẫn đang đẩy mạnh công nghiệp hóa. Ngành điện cũng đang đẩy mạnh phá thế độc quyền. Vì thế, các dự án có vốn ngoại sẽ trở thành rào cản lớn đối với các doanh nghiệp dây và cáp điện Việt Nam khi tham gia đấu thầu.
Trong bối cảnh mới, chỉ có một vài doanh nghiệp lớn có khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI. Họ sẽ phải đáp ứng được tiêu chuẩn lựa chọn khắt khe của các tổ chức tài chính thế giới, để trở thành nhà cung cấp chính trong các dự án điện sử dụng nguồn vốn ODA. Nhưng ngay cả doanh nghiệp lớn như Thịnh Phát cũng thừa nhận rằng phải cố gắng “chạy đua” để đạt được những tiêu chuẩn cần và đủ của ngành sản xuất dây cáp điện như TCVN, ISO, IEC, ASTM… Đây là những tiêu chuẩn đủ và cần để tham gia đấu thầu các dự án có vốn quốc tế.
Theo Trung tâm Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp dây và cáp điện Việt Nam tuy đã đẩy mạnh xuất khẩu nhiều năm, nhưng tỉ lệ xuất khẩu trung bình ba năm 2012-2014 của khối nội cũng chỉ nằm ở mức 3% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ nội tại. Doanh nghiệp Việt Nam chưa đủ sức vượt qua các hàng rào kỹ thuật khi tham gia thị trường quốc tế. Ví dụ như thị trường Indonesia cần chứng nhận SNI; Nhật cần chứng nhận IEC, ASTM… Đây chính là cái giá của sự chậm trễ trong xu thế thương mại toàn cầu.
Đình Bắc
Theo Nhịp Cầu Đầu tư Thứ Hai | 06/07/2015 13:30
Tin liên quan
- THƯ CAM KẾT CHẤT LƯỢNG & PHÁT TRIỂN GỬI ĐẾN QUÝ KHÁCH HÀNG
- “Kỳ Tích” đường dây 500kV – mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên).
- THƯ GỬI QUÝ KHÁCH HÀNG
- CÁP CHỐNG CHÁY THIPHA CABLE – CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM GẮN LIỀN TRONG GIÁ TRỊ NHÂN VĂN
- CÁP CHỐNG CHÁY THIPHA CABLE – TIÊU CHUẨN QUỐC TẾ FM APPROVED
- ĐỒNG HÀNH CÙNG SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN SÂN GOLF NARA BÌNH TIÊN
- Công bố sản phẩm công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ tiêu biểu thành phố năm 2020
- Thipha Cable lần thứ 6 đạt danh hiệu Doanh Nghiệp Tiêu Biểu Tp.Hồ Chí Minh
- Thipha Cable tiếp tục đạt danh hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao chuẩn hội nhập 2020
- Thiêng liêng hai tiếng Đồng bào